NỘI DUNG

NHỮNG NGHỆ NHÂN NẶNG LÒNG VỚI DI SẢN VĂN HÓA

13/09/2019 17:11:11 Nghệ nhân

Những nghệ nhân nặng lòng với di sản văn hóa

Năm 2019, Bình Ðịnh vinh dự có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, gồm: Lê Thị Ðào, Nguyễn Thị Ðức, Ðinh Vế, Phan Chí Thành và 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, gồm: Huỳnh Lào, Ðinh Y Băng, Nguyễn Thị Hào, Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Phú.

Nặng lòng với tuồng, bài chòi dân gian

Chúng tôi thực sự xúc động khi gặp lại nghệ nhân Minh Trạng - Lê Thị Đào (ở Nhơn Phúc, TX An Nhơn), một trong những tinh hoa bài chòi dân gian cao niên nhất còn sống. Bà không biết chữ, chỉ nghe mà học thuộc lòng. Ở tuổi 93, lần gặp gỡ này, may mắn thay chúng tôi lại được nghe bà hô hát. Xem chừng, cái sắc, cái thần vẫn còn chưa chịu phai theo thời gian. Bà không còn nhận thức rõ về danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) nhưng khi nói về bài chòi, bà vẫn rành mạch nói rằng, hô hát bài chòi phải từ trong ruột tuôn ra. Có lẽ, cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật phục vụ nhân dân của bà đã là minh chứng rõ ràng nhất cho danh hiệu NNND!

NNND Lê Thị Đào hô hát bài chòi.

Khi nhắc về bài chòi, nhất là bài chòi cổ, người mộ điệu nhớ ngay đến nghệ nhân Minh Đức (68 tuổi, ở Cát Hưng, Phù Cát). Hiếm thấy ai nhiệt tình và hết lòng với bài chòi dân gian như bà. Không ngại vất vả, không nề hà “cát-xê” cao thấp, bà hô hát như một nhu cầu tự thân, như muốn chia sớt tình yêu mãnh liệt với bài chòi cho người mộ điệu. Nhắc tới danh hiệu NNND, bà xúc động: “Mừng chứ, vì cả một đời dành cho bài chòi mà. Không biết tự khi nào bài chòi đã trở thành hơi thở, một phần cuộc sống của tôi rồi”.

NNND Minh Đức

Cũng nhiều năm gắn bó với nghệ thuật dân gian, Hai Hào - nghệ danh của nghệ nhân Nguyễn Thị Hào (79 tuổi, quê Ân Hảo Tây, Hoài Ân) là một hạt nhân đáng quý của tuồng, bài chòi dân gian. Ngày bé, nhờ chất giọng khỏe, Hai Hào lọt vào mắt xanh của thầy Ba Ngọ, từ đó theo thầy rong ruổi với tuồng. 17 tuổi, bà đã đảm nhận nhiều vai đào bi, đào lẳng, đào võ... Lúc bà sinh con chưa tròn 1 tháng đã có người mời bà đi hát. Cảm tấm lòng của người mến mộ và bầu hát, bà thuận lời. Bà kể: “Hồi đó, người dân biết tôi mới sinh dậy nên họ đưa về nhà ngủ, bỏ lửa cho nằm, chăm mình như chăm con. Hỏi như vậy làm sao mà không vắt sức hát cho bà con mình nghe!”. Không chỉ có hát tuồng, bà còn rất giỏi diễn bài chòi và tham gia đào tạo lứa nghệ sĩ trẻ cho quê hương. Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) là một sự ghi nhận xứng đáng với một người nhiệt tâm với nghề như bà.

Lần phong tặng NNND, NNƯT này còn có nhiều nam nghệ nhân được vinh danh. Chúng tôi vẫn còn vẹn nguyên dấu ấn với nghệ nhân Minh Lưỡng (tên thật là Nguyễn Minh Toàn, 51 tuổi, ở Nhơn Hưng, TX An Nhơn) trong từng vai diễn của ông. Ông hiện là ông bầu của đoàn tuồng Nhơn Hưng và là chủ nhiệm của CLB Dân ca kịch bài chòi TX An Nhơn. Ngoài khả năng quản lý, diễn xuất, ông còn là nhạc công trống chiến tuồng và bài chòi, nhạc công kéo đàn nhị và đàn hồ. Năm tháng bôn ba, vui nhiều mà buồn cũng lắm với nghề, nhưng tình yêu nghệ thuật tuồng, bài chòi luôn thường trực trong ông. Nhắc nhớ lại giai đoạn gian khó của nghề, có lúc ông ngậm ngùi: “Việc lập đoàn tuồng như con gái có chồng mà không có duyên, dang dở lắm”. Nhưng cái tình với nghề cứ như giằng níu ông lại theo từng vai diễn, từng câu hô thai. Nhắc đến danh hiệu NNƯT, tôi thấy niềm vui lan ra trong nụ cười mộc mạc của người nghệ nhân như một niềm an ủi lúc chiều đã muộn.

NNƯT Nguyễn Phú

Năm 2011, vào dịp UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL tổ chức lớp tập huấn cho những nghệ nhân và người yêu thích hô, hát bài chòi trên địa bàn tỉnh, với tố chất có sẵn nghệ nhân Nguyễn Phú được huyện Tuy Phước cử tham gia lớp tập huấn. Anh không chỉ là một anh hiệu trình diễn xuất sắc, mà còn là tác giả của nhiều câu thai làm phong phú thêm “đặc sản” bài chòi Bình Định. Danh hiệu NNƯT như một sự ghi nhận xứng đáng đối với người nghệ nhân, để thế hệ kế cận như anh tiếp tục gìn giữ, nối dài sức sống của bài chòi dân gian.

Giữ hồn văn hóa dân gian

Ở lĩnh vực văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Đinh Chương (còn có tên là Đinh Vế, ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) được xem là nghệ nhân tiêu biểu của núi rừng. Tự nhận lãnh trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc mình, hàng ngày ông mời gọi trẻ con, thanh niên trong làng K8 đến để truyền dạy văn hóa người Bana Kriêm. Chưa có chương trình văn hóa nào cần đến ông mà ông không tham gia nhiệt tình. Khi nhắc về danh hiệu NNND, ông chỉ cười và nói sẽ vẫn tiếp tục cố gắng truyền dạy những gì ông còn biết cho con cháu.

Từ Vĩnh Thạnh đến Phù Cát sinh sống, bok Phan Chí Thành là người giữ cho bếp lửa văn hóa Bana không bị tắt lụi. Sau khi ông qua đời, những câu chuyện về ông vẫn được nhiều người ở xóm Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm nhắc đến trong tiếc nhớ. Nhờ năng khiếu, đam mê, ông chế tác và biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Hơn nữa, ông là một trong số ít người Bana Kriêm thạo việc chỉnh chiêng, khi chuyển đến sống ở Phù Cát, nhiều người ở Vĩnh Thạnh vẫn tìm đến nhờ ông lo liệu. Với trường hợp này, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu NNND cho bok Phan Chí Thành.

NNƯT Đinh Y Băng

Hàng chục năm qua, tại làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, nghệ nhân Đinh Y Băng không chỉ giữ gìn, chế tác nhiều nhạc cụ, chỉnh biên nhiều điệu múa truyền thống Bana mà còn truyền dạy cho hơn 150 người trong làng sử dụng nhạc cụ dân tộc, các điệu múa truyền thống Bana K’riêm. Ở tuổi 75, với danh hiệu NNƯT, Đinh Y Băng tự hào vì có gần 60 năm tham gia công tác gìn giữ văn hóa dân gian của đồng bào mình. Ở Đinh Y Băng, tình yêu văn hóa truyền thống luôn chảy trong máu và ông đã truyền ngọn lửa đam mê ấy cho những thế hệ sau.

NNƯT Huỳnh Lào (ở Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) đã mất nhưng ký ức về ông còn được nhiều người lưu giữ. Huỳnh Lào học võ từ năm 18 tuổi với nhiều võ sư nổi tiếng trong vùng như Mười Nhỏ, Sáu Lai... và cả những võ sư tên tuổi ở nơi khác như võ sư Hồng Sách Kim (Vũng Tàu), Huỳnh Thạch Công (Phú Yên). Năm 1970, ông bắt đầu mở lớp. Nhiều học trò của ông như Tám Luyến, Nguyễn Văn Gia, Huỳnh Thanh Tồn... đã thành công ở nhiều giải đấu. Gắn bó võ thuật đến cuối đời, Huỳnh Lào đã đóng góp đáng kể cho việc thực hành và truyền dạy võ cổ truyền, là tấm gương sáng của võ học. Dù không tận tay nhận danh hiệu NNƯT, nhưng có lẽ niềm tưởng nhớ và tự hào của võ sinh đối với người thầy cũng là điều an ủi.

Chênh lệch độ tuổi. Kẻ mất người còn. Nhưng ở mỗi nghệ nhân đều chung niềm thiết tha với di sản văn hóa quê hương mình. Đó là điều còn đọng lại với mai sau của những nghệ nhân suốt đời tận hiến cho nhân dân.  

Theo Báo Bình Định